Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Đức Phật dạy về tác hại sân hận và cách chuyển hóa sân hận khiến lòng thanh thản hơn

Triết lý nhà Phật có khái niệm chỉ ba thứ xấu ác đối với thân tâm chúng ta là tam độc. Gọi là tam độc vì đó là ba thứ luôn chực chờ xuất hiện trong mỗi con người, dù là Phật tử, dẫn đến phiền não và che lấp tuệ giác. Tam độc đó chính là tham sân si. 

Trong tam độc, sân là loại rất nguy hiểm vì không chỉ gây hại cho chúng ta mà gây hại nặng nề cho người khác. 

Phật pháp ứng dụng - cách chuyển hóa sân hận


Sân cũng chính là sân hận và gây hại từ mức nhẹ đến nặng. Sân thuộc loại nhẹ là tức giận. Tức giận hay còn gọi thịnh nộ, phẫn uất, là thái độ bất bình với những gì xâm phạm “cái tôi” luôn mong muốn sở hữu, thỏa mãn, phóng đại. 

Tức giận luôn luôn là mất khôn, được ví là đốm lửa nhỏ có thể thiêu hủy khu rừng thương yêu rộng lớn bạt ngàn. Tức giận có thể là thái độ thoáng qua không tồn tại lâu nhưng cũng có thể kéo dài bùng nổ thành hận thù. Hận thù là chỉ muốn làm hại người khác và đây chính là sân loại nặng. Sân loại nhẹ và nặng vừa kể gọi chung là sân hận. 

Phật giáo xác định mọi sân hận đều là phiền trược, khiến rất khó đi đến giác ngộ. Ngày nay, xã hội càng phát triển, càng tiện nghi thì con người lại càng dễ sân hận. Chính vì sự tiện nghi của xã hội ngày càng nhiều nên con người càng chịu nhiều áp lực để sở hữu được chúng, cũng như dễ phóng đại “cái tôi” luôn ham thích khoái lạc. 

Chỉ cần một chút chuyện bâng quơ, một vài điều nhỏ nhặt chạm đến “cái tôi” cũng làm cho người ta sân hận đến điên cuồng. Đôi lúc chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ cũng dẫn đến cãi vã, gia đình tan nát, anh em bất hòa, bạn bè hiềm khích, kể cả người dưng gặp trên đường, rồi đánh nhau và cả giết người... 

Ngày nào trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà không đưa tin chém lộn, giết người chỉ vì một câu nói hơn thua, một cái nhìn ẩn ý gọi là “nhìn đểu”! Đó là sân hận gây hại người khác, còn sân hận hại thân chúng ta như thế nào? 
Bài viết xin đề cập đến sân hận ảnh hưởng cực kỳ xấu đến cơ thể con người mà ít người biết đến. 

Sân hận hại thân như thế nào? 

Sân hận đối với các nhà y học chính là một dạng stress nhưng là stress thuộc loại nặng.Stress là những áp lực về mặt tâm lý. 

Và nguyên nhân là những biến động trong gia đình, trong xã hội, trong môi trường… tác động lên con người gây mất cân bằng để bị các áp lực tâm lý đó. Đáp ứng của con người bị stress là cảm thấy có “sự căng thẳng”, và sự căng thẳng đó dẫn đến tình trạng mất cân bằng, thể hiện trong cơ thể bằng những biến đổi sinh học, sinh lý nhằm đối phó lại các biến động gây các áp lực vừa nêu. 

Ta cần lưu ý, stress không phải luôn luôn là xấu nếu là loại nhẹ (như bị áp lực vì phải thi cử và phải thi đậu). Với liều lượng vừa phải, chính stress giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác, tập trung cao độ để đối phó lại tình huống không thuận lợi (như học thi đàng hoàng thậm chí học ngày học đêm, tận tâm và nỗ lực để thi đậu). 

Do con người luôn sống trong môi trường có những tác nhân xâm phạm, đặc biệt các tác nhân xâm phạm về mặt tinh thần, tâm lý; thì chính nhờ stress mà ta có những phản ứng cần thiết để đối đầu với các tác nhân xâm phạm đó; ta sẽ có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng đó và thường là thành công trong việc vượt qua stress. 

Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lặp lại và ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, đặc biệt là ta bị sân hận bám chắc dai dẳng, cơ thể ta sẽ bị rối loạn về mặt thể chất và tâm thần. 

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi bị stress nặng như sân hận, cơ thể có những biến đổi mà những biến đổi này có thể trở thành nguy cơ gây bệnh như sau: - Khi sân hận, có sự tăng tiết hormon (nội tiết tố) như các glucocorticoid và adrenalin ở tuyến thượng thận (tuyến nằm trên 2 quả thận) làm cho mạch máu co lại, giữ natri và nước lại trong cơ thể làm bài tiết ít nước tiểu đưa đến tăng huyết áp. Vì vậy, người sân hận thường xuyên dễ có nguy cơ bị tăng huyết áp, từ đó bị các bệnh tim mạch.

 Khi nồng độ glucocorticoid và adrenalin trong máu cao do sân hận sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể (tức hệ thống đề kháng của cơ thể chống lại các mầm bệnh) bằng cách làm giảm số lượng bạch cầu trong máu xuống, do đó, người sân hận thường xuyên dễ có nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng (bị bệnh nhiễm khuẩn như bệnh viêm hầu họng, viêm phế quản, viêm phổi… hay bi nhiễm siêu vi như bị cảm cúm…). 

Khi sân hận, có sự tăng tiết các hormon ở hệ thần kinh như hormon tăng trưởng (somatostatin), prolactin, các endorphin (còn gọi là morphin nội sinh, đây được xem là “ma túy” do chính cơ thể tiết ra). Các hormon vừa kể nếu tiết ra điều hòa là rất có lợi nhưng tiết nhiều quá sẽ đưa đến các rối loạn. Các hormon này cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể làm giảm sự đề kháng đưa đến dễ bị nhiễm trùng kể ở trên. 

Khi sân hận, có sự giảm phóng thích insulin hoặc insulin tiết ra đủ nhưng tế bào “lờn” insulin không tiêu thụ được đường glucose dẫn đến tăng lượng đường này trong máu (gọi là đường huyết). Nếu đường huyết cứ tăng cao do sân hận thì người sân hận sẽ bị tiền đái tháo đường và sau đó, bị bệnh đái tháo đường týp 2 thật sự. 

Khi sân hận, có sự rối loạn chuyển hóa chất béo làm tăng lượng triglycerid, tăng lượng cholesterol “xấu” trong máu mà nhiều người gọi là “cao mỡ trong máu” dẫn đến đóng cặn mỡ trong thành động mạch gây vữa xơ động mạch. Người sân hận thường xuyên dễ có nguy cơ bị các bệnh tim mạch, bị đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, bị đột qụy, bị tai biến mạch máu não chính một phần do cao mỡ trong máu. 

- Khi sân hận, có sự tăng tiết acid dịch vị ở dạ dày và giảm sự tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đưa đến người sân hận rất dễ bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. 

- Khi sân hận, hệ thần kinh dễ bị kích động do hệ GABA (hoạt động nhờ chất sinh học gamma-amino butyric acid) bị xáo trộn. Đưa đến người sân hận bị các rối loạn tâm thần như: mất ngủ, suy nhược tâm thần. 

Làm sao hóa giải được sân hận?

Những điều trình bày ở trên cho thấy đúng là khi tâm không an do sân hận thì thân sinh ra bệnh. Nhưng có điều rất quan trọng cần biết là đối với stress nói chung trong đó có sân hận, phòng dễ hơn trị. 

Và đặc biệt, người sân hận phải ý thức sự sân hận là điều xấu cần được hóa giải. Người ta bàn nhiều về các biện pháp phòng chống stress, trong đó hóa giải sân hận. Có các biện pháp đơn giản như: tìm đến nhà tham vấn (để thố lộ sân hận và nhận lời khuyên), học cách chấp nhận (chấp nhận sân hận là sai), chia sẻ với bạn tâm giao (về sự sân hận của mình), biết giới hạn của mình và không cho mình luôn là đúng (chỉ sân hận khi luôn nghĩ mình là đúng), dành thời gian thích hợp cho giúp đỡ người khác (có lòng thương người giúp đỡ người sẽ bớt cảm xúc sân hận)… 

Đối với Phật giáo, sân hận là cốt lõi, cái gốc của luân hồi, của thế giới khổ đau. Vì vậy, theo triết lý nhà Phật cách tốt nhất để giảm bớt sân hận đó là từ bi hỷ xả. Ai thấm nhuần lời Phật dạy đều tu tập miên mật từ bi hỷ xả. Từ bi hỷ xả giúp tâm ta luôn cảm thấy an lạc. Khi có ai đó nói xấu hay làm việc gây phẫn uất cho mình, lòng mình từ bi không chấp chuyện đó và buông xả thì tự mình đã có được an lạc, làm sao tâm mình sân hận cho được? 

Để hóa giải stress nói chung, trong đó hóa giải sân hận một cách hữu hiệu, thế giới hiện nay quan tâm ngày càng nhiều đến phương thức kỳ diệu đã được các nhà tu học phương Đông thực hành từ ngàn xưa, đó là Thiền. Thiền là gì? Thật khó để mô tả cái gì đó không phải để nói mà là hành động. Chỉ có những người nào đó đã trải qua trạng thái gọi là “bị stress” hay “sân hận” và thực hành Thiền thì mới biết Thiền là gì, đặc biệt mới thấm thía Thiền hóa giải stress, xóa tan sân hận một cách kỳ diệu ra sao. „ 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét