PHẬT PHÁP ỨNG DỤNG Dành cho người tại gia!

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Chỉ với bằng một câu chuyện Đức Phật đã dạy gì về lòng hiếu thảo...?

Thuở xưa, ở núi Tuyết Sơn có một con chim Oanh Vũ, cha mẹ đều mù, thường đi tìm trái cây thơm chín, dâng cha mẹ dùng.

Lúc bấy giờ, có vị điền chủ mới cấy lúa bèn phát nguyện rằng: “Lúa tôi đây, xin nguyện cho chúng sanh ăn dùng”. Chim Oanh Vũ thấy vị điền chủ phát tâm bố thí như vậy, bèn thường bay xuống lấy lúa cúng dường cha mẹ. 


Người điền chủ đi xem lúa, thấy loài chim loài sùng phá hại lúa, bèn nổi giận đặt lưới bắt được chim Oanh Vũ.

Chim Oanh Vũ thưa vị điền chủ rằng: “Trước đây ông có lòng tốt bố thí nên tôi mới dám lấy của ông, sao lại đặt lưới bắt tôi?”. 
Người điền chủ hỏi: “Ngươi lấy lúa làm gì?”. 
Chim Oanh Vũ đáp: “Tôi có cha mẹ mù, nên phải lấy lúa cúng dường”. Vị điền chủ nói rằng: “Từ nay về sau,ngươi cứ lấy lúa mà dùng, đừng e ngại gì cả”.

Loài súc sanh còn biết hiếu thuận với cha mẹ huống nữa là người. Chim Oanh Vũ là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca. Người điền chủ là tiền thân ông Xá Lợi Phất.

Lời dạy :Tất cả vạn sự vật thế gian đều luôn chuyển biếnkhông ngừng, các hiện tượng chuyển biến ấy Kinh gọi là Hành. Các pháp do nhân duy-ên cấu hợp, không thật thể, không khác nào hình ảnh trên màn bạc. Người phàm phu không làm sao nhìn thấy sự thật của sự vật, luôn luôn chấp cho là thật cảnh, thật ra, nên khi được thì vui mừng, mất thì sanh đau khổ. Nên biết năm ấm (Sắc, thọ, tưởng, hành,thức) hòa hợp gọi là thân, song năm ấm biến chuyển không thường nên thân người thoạt còn thoạt mất, không có cái gì là “ta” cũng như không có cái gì là “của ta”. Chẳng qua cũng như những bóng trong màn ảnh sân khấu, những giả ảnh trong chiêm bao mà thôi. Chư Phật tỏ ngộ do đây, mà phàm phu mê muội cũng do đây vậy.


Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Truyện cổ phật giáo: Nhân lầm con và bài học về sự cố chấp của con người


Phật pháp ứng dụng -Tính cố chấp

Có một chàng ngu kia sinh được đứa con trai, chăm chút thương yêu như ngọc như ngà. 
Một buổi sáng anh chàng đi ra chợ sớm, ở nhà lửa bốc cháy nhà và người ta bồng đứa con anh chạy mất, lúc trở về thấy nhà cháy, anh không tiếc, anh chỉ cuống cuồng lên khi không thấy con. Một người láng giềng ức đoán chỉ vào thây của một kẻ bất hạnh đã cháy thành than và bảo: “Con anh chếtcháy đây rồi.”
Thế là anh chàng tin ngay là thật, khóc than kể lể khôn xiết, rồi may một cái túi vải vuông bỏ nắm tro tàn vào đó mang luôn bên mình không lúc nào rời. Rồi cứ đinh ninh rằng con mình đã chết cháy, và nắm tro bên mình là xác con, không biết con mình hiện giờ đang còn sống. 
Một buổi kia được thả, đứa con về gõ cửa kêu cha. Anh chàng buồn quá đóng cửa ngồi 
trong nhà, nghe gõ cửa hỏi vọng ra: 
- Ai gọi đó? 
- Con đây. 
-  Con, tôi đâu dám! Con tôi chết đã ba tháng rồi. 
-  Không, con còn sống đây mà, mở cửa cho con vào! 
-  Láo, cút đi! Con tao đã chết, mày là ai, đến đây nhận hão thế? Cha con gì? 
Ðứa con nằn nì ngoài cửa mãi, người cha ngồi trong nhất định không mở cửa. Cuối cùng nó đành khắc khoải ra đi. 
Thương hại cho anh chàng! Cha con không nhận, lại nhận bị xương khô! 
-  Người ngu tự biết mình ngu, nên biết người ấy có trí; 
-  Người có trí tự cho là có trí, nên biết người ấy ngu nhất trên đời. 
- Người ngu cố chấp sự hiểu biết của mình là đúng, nên không bao giờ chịu thừa nhận 
những điều hiểu biết của kẻ khác.   Vì thế, không bao giờ họ đạt đến được chân lý, sự thật vậy 


Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Đức Phật dạy về tác hại sân hận và cách chuyển hóa sân hận khiến lòng thanh thản hơn

Triết lý nhà Phật có khái niệm chỉ ba thứ xấu ác đối với thân tâm chúng ta là tam độc. Gọi là tam độc vì đó là ba thứ luôn chực chờ xuất hiện trong mỗi con người, dù là Phật tử, dẫn đến phiền não và che lấp tuệ giác. Tam độc đó chính là tham sân si. 

Trong tam độc, sân là loại rất nguy hiểm vì không chỉ gây hại cho chúng ta mà gây hại nặng nề cho người khác. 

Phật pháp ứng dụng - cách chuyển hóa sân hận


Sân cũng chính là sân hận và gây hại từ mức nhẹ đến nặng. Sân thuộc loại nhẹ là tức giận. Tức giận hay còn gọi thịnh nộ, phẫn uất, là thái độ bất bình với những gì xâm phạm “cái tôi” luôn mong muốn sở hữu, thỏa mãn, phóng đại. 

Tức giận luôn luôn là mất khôn, được ví là đốm lửa nhỏ có thể thiêu hủy khu rừng thương yêu rộng lớn bạt ngàn. Tức giận có thể là thái độ thoáng qua không tồn tại lâu nhưng cũng có thể kéo dài bùng nổ thành hận thù. Hận thù là chỉ muốn làm hại người khác và đây chính là sân loại nặng. Sân loại nhẹ và nặng vừa kể gọi chung là sân hận. 

Phật giáo xác định mọi sân hận đều là phiền trược, khiến rất khó đi đến giác ngộ. Ngày nay, xã hội càng phát triển, càng tiện nghi thì con người lại càng dễ sân hận. Chính vì sự tiện nghi của xã hội ngày càng nhiều nên con người càng chịu nhiều áp lực để sở hữu được chúng, cũng như dễ phóng đại “cái tôi” luôn ham thích khoái lạc. 

Chỉ cần một chút chuyện bâng quơ, một vài điều nhỏ nhặt chạm đến “cái tôi” cũng làm cho người ta sân hận đến điên cuồng. Đôi lúc chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ cũng dẫn đến cãi vã, gia đình tan nát, anh em bất hòa, bạn bè hiềm khích, kể cả người dưng gặp trên đường, rồi đánh nhau và cả giết người... 

Ngày nào trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà không đưa tin chém lộn, giết người chỉ vì một câu nói hơn thua, một cái nhìn ẩn ý gọi là “nhìn đểu”! Đó là sân hận gây hại người khác, còn sân hận hại thân chúng ta như thế nào? 
Bài viết xin đề cập đến sân hận ảnh hưởng cực kỳ xấu đến cơ thể con người mà ít người biết đến. 

Sân hận hại thân như thế nào? 

Sân hận đối với các nhà y học chính là một dạng stress nhưng là stress thuộc loại nặng.Stress là những áp lực về mặt tâm lý. 

Và nguyên nhân là những biến động trong gia đình, trong xã hội, trong môi trường… tác động lên con người gây mất cân bằng để bị các áp lực tâm lý đó. Đáp ứng của con người bị stress là cảm thấy có “sự căng thẳng”, và sự căng thẳng đó dẫn đến tình trạng mất cân bằng, thể hiện trong cơ thể bằng những biến đổi sinh học, sinh lý nhằm đối phó lại các biến động gây các áp lực vừa nêu. 

Ta cần lưu ý, stress không phải luôn luôn là xấu nếu là loại nhẹ (như bị áp lực vì phải thi cử và phải thi đậu). Với liều lượng vừa phải, chính stress giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác, tập trung cao độ để đối phó lại tình huống không thuận lợi (như học thi đàng hoàng thậm chí học ngày học đêm, tận tâm và nỗ lực để thi đậu). 

Do con người luôn sống trong môi trường có những tác nhân xâm phạm, đặc biệt các tác nhân xâm phạm về mặt tinh thần, tâm lý; thì chính nhờ stress mà ta có những phản ứng cần thiết để đối đầu với các tác nhân xâm phạm đó; ta sẽ có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng đó và thường là thành công trong việc vượt qua stress. 

Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lặp lại và ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, đặc biệt là ta bị sân hận bám chắc dai dẳng, cơ thể ta sẽ bị rối loạn về mặt thể chất và tâm thần. 

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi bị stress nặng như sân hận, cơ thể có những biến đổi mà những biến đổi này có thể trở thành nguy cơ gây bệnh như sau: - Khi sân hận, có sự tăng tiết hormon (nội tiết tố) như các glucocorticoid và adrenalin ở tuyến thượng thận (tuyến nằm trên 2 quả thận) làm cho mạch máu co lại, giữ natri và nước lại trong cơ thể làm bài tiết ít nước tiểu đưa đến tăng huyết áp. Vì vậy, người sân hận thường xuyên dễ có nguy cơ bị tăng huyết áp, từ đó bị các bệnh tim mạch.

 Khi nồng độ glucocorticoid và adrenalin trong máu cao do sân hận sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể (tức hệ thống đề kháng của cơ thể chống lại các mầm bệnh) bằng cách làm giảm số lượng bạch cầu trong máu xuống, do đó, người sân hận thường xuyên dễ có nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng (bị bệnh nhiễm khuẩn như bệnh viêm hầu họng, viêm phế quản, viêm phổi… hay bi nhiễm siêu vi như bị cảm cúm…). 

Khi sân hận, có sự tăng tiết các hormon ở hệ thần kinh như hormon tăng trưởng (somatostatin), prolactin, các endorphin (còn gọi là morphin nội sinh, đây được xem là “ma túy” do chính cơ thể tiết ra). Các hormon vừa kể nếu tiết ra điều hòa là rất có lợi nhưng tiết nhiều quá sẽ đưa đến các rối loạn. Các hormon này cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể làm giảm sự đề kháng đưa đến dễ bị nhiễm trùng kể ở trên. 

Khi sân hận, có sự giảm phóng thích insulin hoặc insulin tiết ra đủ nhưng tế bào “lờn” insulin không tiêu thụ được đường glucose dẫn đến tăng lượng đường này trong máu (gọi là đường huyết). Nếu đường huyết cứ tăng cao do sân hận thì người sân hận sẽ bị tiền đái tháo đường và sau đó, bị bệnh đái tháo đường týp 2 thật sự. 

Khi sân hận, có sự rối loạn chuyển hóa chất béo làm tăng lượng triglycerid, tăng lượng cholesterol “xấu” trong máu mà nhiều người gọi là “cao mỡ trong máu” dẫn đến đóng cặn mỡ trong thành động mạch gây vữa xơ động mạch. Người sân hận thường xuyên dễ có nguy cơ bị các bệnh tim mạch, bị đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, bị đột qụy, bị tai biến mạch máu não chính một phần do cao mỡ trong máu. 

- Khi sân hận, có sự tăng tiết acid dịch vị ở dạ dày và giảm sự tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đưa đến người sân hận rất dễ bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. 

- Khi sân hận, hệ thần kinh dễ bị kích động do hệ GABA (hoạt động nhờ chất sinh học gamma-amino butyric acid) bị xáo trộn. Đưa đến người sân hận bị các rối loạn tâm thần như: mất ngủ, suy nhược tâm thần. 

Làm sao hóa giải được sân hận?

Những điều trình bày ở trên cho thấy đúng là khi tâm không an do sân hận thì thân sinh ra bệnh. Nhưng có điều rất quan trọng cần biết là đối với stress nói chung trong đó có sân hận, phòng dễ hơn trị. 

Và đặc biệt, người sân hận phải ý thức sự sân hận là điều xấu cần được hóa giải. Người ta bàn nhiều về các biện pháp phòng chống stress, trong đó hóa giải sân hận. Có các biện pháp đơn giản như: tìm đến nhà tham vấn (để thố lộ sân hận và nhận lời khuyên), học cách chấp nhận (chấp nhận sân hận là sai), chia sẻ với bạn tâm giao (về sự sân hận của mình), biết giới hạn của mình và không cho mình luôn là đúng (chỉ sân hận khi luôn nghĩ mình là đúng), dành thời gian thích hợp cho giúp đỡ người khác (có lòng thương người giúp đỡ người sẽ bớt cảm xúc sân hận)… 

Đối với Phật giáo, sân hận là cốt lõi, cái gốc của luân hồi, của thế giới khổ đau. Vì vậy, theo triết lý nhà Phật cách tốt nhất để giảm bớt sân hận đó là từ bi hỷ xả. Ai thấm nhuần lời Phật dạy đều tu tập miên mật từ bi hỷ xả. Từ bi hỷ xả giúp tâm ta luôn cảm thấy an lạc. Khi có ai đó nói xấu hay làm việc gây phẫn uất cho mình, lòng mình từ bi không chấp chuyện đó và buông xả thì tự mình đã có được an lạc, làm sao tâm mình sân hận cho được? 

Để hóa giải stress nói chung, trong đó hóa giải sân hận một cách hữu hiệu, thế giới hiện nay quan tâm ngày càng nhiều đến phương thức kỳ diệu đã được các nhà tu học phương Đông thực hành từ ngàn xưa, đó là Thiền. Thiền là gì? Thật khó để mô tả cái gì đó không phải để nói mà là hành động. Chỉ có những người nào đó đã trải qua trạng thái gọi là “bị stress” hay “sân hận” và thực hành Thiền thì mới biết Thiền là gì, đặc biệt mới thấm thía Thiền hóa giải stress, xóa tan sân hận một cách kỳ diệu ra sao. „ 


Phật pháp ứng dụng: 4 Lời dạy từ Đức Phật cần thấu rõ để tránh phải hối hận về sau

1. Vô thường và cái chết 

Phật pháp ứng dụng- 4 chân lý của cuộc sống

Đây là điều chúng ta thấy hàng ngày, trước mắt, nhưng không muốn nhớ, thành thử luôn luôn quên. Khi nghiêm túc suy nghĩ trở lại cuộc đời mình, ai cũng thấy mình có được nhiều thứ sở hữu. Chúng ở với chúng ta một thời gian rồi đi hay hư hoại mất. 

Được để rồi mất, đó là số phận của mỗi người chúng ta. Như một sự thật mà đạo Phật đã nêu ra, cái gì có sanh thì cái ấy có diệt. Thành thử được nhiều bao nhiêu thì mất nhiều bấy nhiêu. Cho đến cuối cùng, cái chết là sự mất tất cả. 

Cuộc sống của chúng ta mong manh và ảo tưởng biết bao nhiêu: chúng ta chỉ nhớ cái đang được và quên cái đã mất. Nhìn lại hôm qua, hôm kia, chúng ta thấy mình đã mất một số điều, của cải có, tình cảm có, sự vật cũng có. Mất vì chẳng có không gian nào thời gian nào lặp lại được. Những cái đó qua đi, không bao giờ trở lại như cũ được, bởi thế con người mới có danh từ “kỷ niệm”. 

Thời gian của con người là thời gian hướng về cái chết. Chẳng phải văn chương, triết học, tôn giáo của loài người đều nói đến những cảm xúc như vậy sao? Nhìn sâu xa, tất cả những việc làm của con người để tạo ra văn hóa và văn minh đều nhằm chống lại cái chết. Đó không phải là một quan niệm bi quan, mà là sự thật, một vấn đề lớn nhất mà con người phải đối mặt, dầu có muốn giả lơ, quên đi bằng những hoạt động hay giải trí để xao lãng. Nhưng không thể nào bỏ qua được. 

Mỗi ngày xé đi một tờ lịch là mất đi một ngày, mà không có Thượng đế nào, thần linh nào lấy lại được cho chúng ta, dán lại tờ lịch đó cho chúng ta được. 

Mỗi giây phút qua đi, đối với đời người thì không thể nào lấy lại. Khi thấy cuộc đời mình cứ trôi đi như một dòng sông không thể nào giữ lại, lúc ấy người ta có thái độ nghiêm túc với cuộc đời mình: chúng ta sinh ra để làm gì, rồi sẽ đi về đâu. 

Khi ấy Phật pháp sẽ là câu trả lời cho vấn đề này, vì lý do tồn tại của đạo Phật là để giải quyết cho con người về vấn đề sanh tử này. Lúc đó, Phật pháp mới “thiết thực hiện tại”, mới là sự thực hành, là sự sống trong mỗi hơi thở của chúng ta. 

Lúc đó cuộc đời vô thường này mới tìm lại được ý nghĩa thật sự của nó: nó là phương tiện duy nhất chúng ta đang có để đạt đến cái mà đạo Phật gọi là giải thoát khỏi sanh già bệnh chết, cái bất tử, cái không sanh không diệt. Vô thường và cái chết là một động cơ lớn để giải thoát. Trong đạo Phật, nhớ nghĩ đến cái chết là một trong Sáu Niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm chư thiên và niệm cái chết.

2. Nhân quả nghiệp báo 


Nói cuộc đời là vô thường nhưng trong tính chất vô thường đó, vẫn có định luật nhân quả vận hành đời sống. Đời sống là vô thường nhưng không phải vì thế mà ngẫu nhiên, may rủi, tùy tiện. Không có cái gì tự nhiên mà có, nó có đó là vì có những nhân đã tạo ra nó. Một cảm xúc vui buồn, thậm chí dai dẳng, không thể tự nhiên từ trên trời rớt xuống, nó có những nguyên nhân trước đó, nhiều khi xa xôi đến không thể nhớ lại được. Nhân nào có sanh ra rồi cũng có lúc diệt, quả nào đã thành rồi cũng phải hoại. 

Bởi vì có sự sanh diệt của nhân quả mà có sự vô thường của cuộc đời. Cho nên, đời sống vô thường vì có định luật nhân quả, và vì có định luật nhân quả nên đời sống là vô thường. Định luật nhân quả nghĩa là hành động nào dù tốt dù xấu cũng là một nhân, và nhân đó sẽ sinh ra quả, dù sớm hay muộn. 

Thế nên, trong đời sống hàng ngày, chúng ta cần tránh tạo những nhân xấu và cố gắng tạo những nhân tốt, tức là hành động của thân, khẩu, ý tốt để cuộc đời chúng ta được thoải mái, như ý. Nhưng nhân quả tốt đến đâu cũng chỉ đưa chúng ta đến cao nhất là hưởng những phước báo cao cấp của cõi người hay các cõi trời, mà những cõi này vẫn nằm trong sanh tử, nghĩa là trong vô thường và cái chết. 

Còn vì mê lầm, tham lam, oán giận, ghen ghét mà tạo ra những nhân xấu thì sẽ phải chịu những quả báo xấu trong những cõi thấp, tối tăm và khổ đau. Nhân quả nghiệp báo đưa chúng ta đến một xác quyết: có đời trước và đời sau. Có những đời trước mới có quả xấu tốt hưởng trong đời này, và có những đời sau để cho những nhân đời này trổ quả. Khi nhận định rằng có đời trước và đời sau, chúng ta thấy rằng mọi đời của chúng ta đều do sự chọn lựa của chúng ta. Chúng ta trách nhiệm về tất cả đời kiếp của mình. 

Sự thực hành của đạo Phật, những tiến bộ tâm linh cũng dựa trên nhân quả. Đạo Phật là sự tích tập trí huệ và công đức, sự tích tập này dựa trên định luật nhân quả. Định luật nhân quả nghiệp báo tạo ra ba cõi sinh tử. Cho nên còn sống trong ba cõi thì còn chịu sự thống trị của nhân quả, do đó mà vẫn chưa được tự do. 

Như vậy mục đích của đời người là đạt đến tự do, giải thoát khỏi ba cõi. Nhưng không phải giải thoát khỏi ba cõi là hủy hoại ba cõi, như một số tôn giáo chờ đợi ngày tận thế. Cũng không phải ra là khỏi ba cõi theo nghĩa đen. Mà giải thoát thực sự khỏi ba cõi, theo đạo Phật, là thấy được bản chất của ba cõi là tánh Không, do đó ở ngay nơi ba cõi mà giải thoát khỏi, tự tại với ba cõi. 

3. Những khuyết điểm và nguy hiểm của sanh tử luân hồi 

Khuyết điểm của sanh tử mà ai cũng thấy là sanh già bệnh chết không thể tránh. Càng nguy hiểm hơn là chúng ta không ý thức về điều đó. Khuyết điểm của sanh tử là sự bất toại nguyện. Những niềm vui, hạnh phúc tạm thời rồi sẽ qua đi, chúng ta lại đi tìm niềm vui và hạnh phúc tạm thời khác. Như thế cho đến suốt đời. 
Nhưng tại sao chúng ta cứ đi tìm mãi hạnh phúc và cả khổ đau, tâm chúng ta cứ loạn lên chẳng bao giờ dừng nghỉ được? 
Bởi vì thật sự bên trong chúng ta là sự trống rỗng mà tất cả niềm vui nỗi khổ, công ăn việc làm của cả một đời cũng không thể lấp đầy. Bất toại nguyện lớn nhất của chúng ta là sự trống rỗng của chúng ta, trống rỗng đến độ cả thế gian này cũng chẳng thể lấp đầy nó. Và nguy hiểm là chúng ta không hề biết điều đó, nhọc nhằn, vô ích cả một đời để mong lấp đầy được hư không. 

Trong quá trình tự lấp đầy này, chúng ta tạo ra bao nhiêu hành động, tốt có xấu có, nghĩa là bao nhiêu nghiệp. Chúng ta có thể nhọc nhằn vô vọng nhiều đời mà không thể lấp đầy chính mình được, cho đến một ngày nào chúng ta bắt đầu nhận ra một sự thật mà đạo Phật đã nói từ hàng ngàn năm nay. Chúng ta không thể lấp đầy mình được, bởi vì chúng ta là trống rỗng, không có một cái tôi nào cả để có thể được lấp đầy. 

Đây là sự thật rằng không có một cái tôi, sự thật rằng tất cả chúng sanh đều vô ngã. Cái nguy hiểm là chúng ta không biết sống như thế nào cả, không biết những định luật nào cai quản đời sống cả. Sự không biết này đạo Phật gọi là vô minh. 

Trong khi chỉ với Tám Chánh Đạo, bao gồm toàn bộ thân khẩu ý, nghĩa là bao gồm toàn bộ cuộc sống, người ta mới biết thế nào là sống đúng, sống đường chánh. Và nếu ứng dụng tám con đường chánh này đến mức tinh vi, thì đó cũng là những con đường đưa đến tự do, giác ngộ. Thế nên có những khuyết điểm và những nguy hiểm bởi vì chúng ta không biết. Sự không biết này bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, biến nó thành mê lầm, hư hỏng. Chúng ta mù lòa, không thấy gì, vì không có Chánh kiến; chúng ta không suy nghĩ đúng được vì chúng ta không có Chánh tư duy; chúng ta tạo ra những lỗi lầm vì không có Chánh hành động hay Chánh nghiệp… 

Nhờ có Pháp, là những lời dạy của bậc Giác ngộ, mà tạm thời chúng ta ít lỗi hơn, như người mù có cây gậy dò đường. Nhưng Pháp chỉ thực sự là Pháp khi nhờ nó mà chúng ta sáng mắt, khi nó trở thành chính mạng sống của chúng ta, chính đời sống của chúng ta. Lìa bỏ nó, chúng ta lại rớt vào bóng tối của vô minh, của cái chết. 


4. Sự quý báu của đời người 


Ở trên chỉ là những suy nghĩ ngắn gọn của chúng ta, bởi vì đời sống sẽ dạy và nhắc nhở cho ta mỗi ngày về ba điều ấy. Nhưng chỉ suy nghĩ bấy nhiêu cũng đủ thấy cuộc sống chúng ta đang sống đây là đáng quý, vì chính nhờ cuộc sống này mà chúng ta đối phó và giải quyết được ba vấn nạn ấy. Con người được cho là có khả năng nhất để khắc phục, vượt qua những giới hạn, khổ đau của cuộc đời trong sanh tử. 

Con người có thể Nghe (Văn), Tư duy (Tư) và Thực hành (Tu) để vượt thoát những vấn nạn của sanh tử. So với những loài khác, như loài vật chẳng hạn, chúng không thể nghe và tư duy cái gì là sự thật chứ chưa nói đến thực hành. Với loài trời (chư thiên), vì quá nhiều hạnh phúc và sống rất lâu nên cũng khó phản tư về những điều như vô thường, khổ, và cái chết. Cuộc sống con người ngắn hơn nhiều, biến đổi nhanh chóng hơn nhiều, nên vô thường, khổ và cái chết là chuyện có thể thấy hàng ngày. Ngày nay, loài người đã tiến rất xa và rất nhanh so với cách đây mấy ngàn năm, với đủ loại môn nghiên cứu, đủ loại thành tựu, nhưng những vấn nạn của con người như khổ đau và cái chết vẫn chưa được giải quyết. 

Và có lẽ mãi mãi không được giải quyết, vì đó là thân phận con người. Đã sanh làm người thì phải có và phải chịu những điều đó. Mọi nhu cầu của cuộc sống hiện nay đều có các chuyên gia đáp ứng và giải quyết, xây nhà thì có kiến trúc sư, tạo một khu vườn thì có người trang trí ngoại thất, bệnh tật thì có bác sĩ, đi du lịch thì có các hãng lữ hành lo cho, kiện tụng thì có luật sư… 

Mọi nhu cầu đều được đáp ứng, chỉ những điều trên là không có môn ngành nào giải quyết được. Chính vì lý do đó mà đạo Phật vẫn tồn tại trong một thế giới dư thừa sự đáp ứng, dư thừa các giải pháp cho cuộc sống con người. Thế nên, được sanh làm người là điều quý báu để kinh nghiệm những khổ đau và biết được Pháp, con đường giải quyết mọi vấn nạn không thể giải quyết của số phận làm người. 

Khi thấy những may mắn thuận lợi đó, con người không bỏ lỡ cơ hội nghe, tư duy và thực hành Pháp, để ít nhất, đời sau vẫn có cơ hội làm người với những hoàn cảnh thuận lợi, và hơn nữa, để tìm ra giải pháp tối hậu giải quyết cho mọi vấn nạn của sanh tử. Càng thấy rõ các vấn nạn trên, người ta càng quyết tâm biến cuộc đời mình thành có ích lợi nhất, vì Pháp là cách giải quyết duy nhất cho thân phận con người, như đã chứng tỏ suốt dòng lịch sử nhân loại. 

Xem thêm : Phật pháp ứng dụng - Học để làm gì?

Phật pháp ứng dụng: Học để làm gì?

Có người cho rằng con người là một động vật kỳ lạ vì phải dành đến hàng chục năm để học mới có thể lo cho cuộc sống của mình ở mức trung bình. 

Điều này hoàn toàn khác với động vật khác khi hầu hết đều có thể tự lo cho cuộc sống của mình gần như ngay khi mới ra đời. 

Theo tôi, chính việc học là một phần của cuộc sống, để giúp con người chính là “người” khi xóa bỏ dần tàn dư “con” đeo bám suốt đời nhờ vào việc học. Ngẫm lại riêng cuộc đời mình đã trải qua 65 năm, tôi thấy mình đã dành phần lớn cho việc học, nhưng gần như rất hiếm khi tự hỏi: “Học để làm gì, vì sao phải học?”. 

Phật pháp ứng dụng - Học để làm gì?

Thời gian học tiểu học với tuổi đời còn quá nhỏ, học mà không biết để làm gì là chuyện thường tình. Nhưng suốt thời gian học trung học, tôi chỉ biết học vì mẹ tôi bảo phải thế và vì thấy bạn bè mình ai cũng phải học. 

Đến khi học đại học, nhờ thi đậu vào trường đại học dược khoa, tôi tự mình hình dung học để trở thành dược sĩ. Nghĩa là học để biết, để làm một nghề nuôi sống mình suốt cuộc đời sau này. Nhìn lại nền giáo dục của nước Việt Nam trong thời gian qua ta thấy nhiều yếu kém. 

Đến độ phải đặt vấn đề là phải “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Suy đi ngẫm lại muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trước hết phải trả lời câu hỏi rất hiếm người tự hỏi: “Học để làm gì, vì sao phải học?”. 

Như tôi, sau 65 năm sống trên đời dành phần lớn cho việc học, nhờ đọc bài báo nói về bốn trụ cột của việc học, khi đó mới đặt ra câu hỏi cho riêng mình “Thật sự mình đã học để làm gì?”. 

Khi chuẩn bị bước vào thiên nhiên kỷ mới, thấy rằng học để làm gì thật sự là vấn đề rất lớn của mọi hoạt động giáo dục, cho nên Ủy ban Quốc tế về Giáo dục của Cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công bố bốn trụ cột cho việc học dựa vào trả lời cho câu hỏi: “Học để làm gì?”. Theo UNESCO, học là làm bốn việc sau, tức bốn trụ cột của giáo dục theo tiếng Anh là: “learning to know, learning to do, learning to live together and learning to be”.

 Dịch sang tiếng Việt, ba việc đầu là: học để biết, học để làm,và học để chung sống với người khác, nhưng việc thứ ba thì ôi thôi, tiếng Việt mình phong phú quá, được dịch thành hàng lô việc như sau: học để xác lập mình, học để hoàn thiện mình, học để sống cho mình, học để khẳng định bản thân

. Riêng “học để khẳng định bản thân” có vẻ được chuộng nhất vì đã có một số trường học trương bảng hoành tráng hoặc sơn chữ to trước mặt tiền trường nêu bốn trụ cột: “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định bản thân”. 

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, trước đây đã được trang trọng phô trương ở các trường, nay vẫn giữ lại nhưng xem có vẻ khép nép nếu đứng cạnh bốn trụ cột đó. Nói là khép nép vì tính chất quá xưa cũ so với hiện đại nhưng “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn lý do tồn tại vì tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội vẫn nhan nhản trong cuộc sống. 

“Học để biết, học để làm, học để chung sống với người khác” dịch từ ba trụ cột việc học của UNESCO có thể xem tạm ổn. Ngẫm lại từ cuộc đời mình, suốt thời gian đi học, tuy không đặt ra câu hỏi học để làm gì nhưng tôi thật sự mường tượng học để biết. Tôi đã học nhiều môn học để có kiến thức về thế giới, hiểu biết về cuộc sống xung quanh, nhận thức được đất nước dân tộc mình ngày càng tăng trưởng. 

Về học để làm và học để chung sống với người khác, phải đợi đến lúc bước chân vào đại học; và cũng thế, tức cũng không đặt ra câu hỏi để tìm cách trả lời, tôi cũng mường tượng việc học ở giai đoạn này trước hết cũng là để biết, biết những điều mà một dược sĩ phải biết; sau đó là học để làm, làm những việc của một dược sĩ hành nghề sau này; và tiếp đến là học để chung sống với người bệnh cần dùng đến thuốc, với các đồng nghiệp tiếp xúc hằng ngày và với cả xã hội cần khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Còn việc sau cùng nếu gọi là học để khẳng định bản thân hay học để xác lập mình, học để sống cho mình dịch từ trụ cột thứ tư việc học của UNESCO thì tôi thấy không ổn. Vì sao như vậy? Chính các từ như “khẳng định”, “xác lập”, “sống cho mình” rất dễ tôn sùng “cái tôi” đưa đến bóp méo, làm sai lệch mục đích của việc học. Trên con đường phát triển, con người luôn luôn hiện hữu với “cái tôi” xấu xí. Thoát thai từ một động vật, con người dính liền với bản năng luôn phóng chiếu đủ loại dục vọng. 

Đơn cử, một nhu cầu động vật trong con người là luôn mong muốn an toàn, an toàn về thể chất và an toàn về tinh thần - tâm lý và thường vì sự an toàn đó mà bất kể lợi ích của tha nhân. Từ đó con người sinh ra tham lam, đố kỵ, tị hiềm… trong quan hệ với nhau. Suốt quá trình tồn tại và phát triển, con người gây ra biết bao tàn nhẫn, khổ đau cho mình và cho người xuất phát từ “cái tôi” luôn muốn được bành trướng phóng hiện, cái “bản ngã” chứa quá nhiều dục vọng. Có người nói: “Con người tự do phải là đích đến của giáo dục”. 

Thật ra, con người tự do không phải là con người sống bất kể các quy luật hài hòa của cuộc sống và các định chế cần thiết của xã hội, mà là con người tự do giải thoát khỏi những dục vọng thấp hèn, giải thoát khỏi “cái tôi” gắn với “con” thay vì “người”. 

Chính vì vậy, một mục tiêu của việc học phải là làm cho con người trở thành “vô ngã” tức làm chủ được mình, giải phóng mình khỏi tham sân si, kiểm soát mình để không nô lệ vào “cái tôi” thấp hèn nhưng ma mãnh, quỷ quyệt. Điều kiện tiên quyết để con người “vô ngã” là con người phải thấu hiểu “cái tôi” ma mãnh quỷ quyệt, cái “bản ngã” do nhu cầu động vật cứ hướng về sự thấp hèn. Từ cột trụ “learning to be” có nghĩa là “học để sống” mà dịch thành “học để khẳng định bản thân”, “học để xác lập mình” hay “học để sống cho mình” dễ đi đến học để khẳng định, xác lập “cái tôi” ma mãnh, “cái tôi” bao hàm “con” hơn “người”.

Có người dịch “học để hoàn thiện mình” chính là để không nhập nhằng với cái tôi đáng ghét mà hướng đến sự hoàn thiện nhờ giáo dục. Tuy nhiên, như thế lại không lột tả được nghĩa của “to be”. Sau khi phân tích như trên, tôi mạo muội đề nghị cột trụ thứ tư của việc học là “học để sống và hiểu bản thân”. Toàn bộ bốn cột trụ việc học theo UNESCO theo tôi là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để sống và hiểu bản thân”. Chính trụ cột “học để sống và hiểu bản thân” sẽ làm cho ba trụ cột kia càng rõ nghĩa. 

Ở nước ta, mục đích học để làm quan đã ăn sâu vào tâm não dân ta rất lâu rồi, cho nên cho đến nay “học để biết, học để làm” vẫn là tập trung học để nhồi nhét thật nhiều kiến thức và làm thì qua loa và cũng chỉ để thi (để được làm quan mà). Học để biết để làm xem kỹ lại chính là “học để thi”. Rõ ràng, nếu mọi người – từ người dạy đến người học – đều thấm nhuần tinh thần “học để sống và hiểu bản thân” thì sẽ ý thức rằng sự biến dạng học để biết để làm thành học để thi thật ra chỉ vì “cái tôi” tham lam, chạy theo mong cầu không chính đáng. 

Khi quan hệ mình với bản thân mình được thấu hiểu để có sự phản tỉnh, khi đó bản thân được tỉnh ngộ. Thế là người ta sẽ chuyển hóa để việc học là học để biết để làm thật sự chứ không phải chỉ để thi. Còn “học để chung sống với người khác” ở nước ta thì như thế nào? Trong thời gian dài, ở ta chính khẩu hiệu “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” đã trở thành nền tảng cho việc học để chung sống với người khác. 

Mình vì mọi người nhưng bản thân mình không hiểu chính mình. Mình không hiểu là mình luôn luôn bị “cái tôi” thiên về phần “con” thôi thúc, kềm chế, kiểm soát để luôn xảy ra cảnh trạng “mình vì mọi người một cách ma mãnh dối trá, ngược lại, mọi người vì mình với bản thân mình luôn tìm cách phóng đại, bành trướng”. Chính “học để sống và hiểu bản thân” sẽ là tiền đề vững chắc để “học để chung sống với người khác” chính là “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thực hiện một cách hoàn thiện. Chỉ khi đó, việc học để chung sống với người khác mang tính chất “vô ngã” tức sống chung với người khác mà bị “cái tôi” xấu xí chen vô quấy rầy

Xem thêm: phật pháp ứng dụng - Những lời dạy của Đức Phật giúp người sống tại gia có một cuộc sống trọn vẹn


Những lời dạy quý báu từ Đức Phật giúp người sống tại gia có một cuộc đời trọn vẹn

Có nhiều bài kinh Đức Phật dạy cho hàng cư sĩ rất gần gũi và thiết thực, giúp cho người Phật tử tại gia tìm thấy an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại;cũng có nghĩa là đóng góp cho sự hài hòa, ổn định của xã hội. 
Phật pháp ứng dụng- Phật dạy về các pháp tăng trưởng tài sản, an lạc

Điều đó cho thấy Đức Phật không chỉ quan tâm đến đời sống xuất gia cầu giác ngộ, giải thoát, mà Ngài còn quan tâm đến đời sống thế tục của những ai còn vương vấn bụi trần, giúp cho những người có nhân duyên với Ngài, có nhân duyên với giáo pháp của Ngài đạt được sự thăng bằng vững chãi để sống cuộc sống hướng thượng. 

Tăng Chi Bộ kinh (tập III), chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dighajanu, phần Người Koliya có thuật lại như sau: 

Một hôm, có vị cư sĩ đệ tử Phật tên là Dighajanu đi đến đảnh lễ và bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ còn hưởng thụ các dục, sống hệ phược với vợ con, dùng các thứ hương hoa, phấn sáp, thọ lãnh vàng bạc. 

Bạch Thế Tôn, xin hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết những pháp đem đến cho chúng con hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại và hạnh phúc, an lạc trong tương lai”. 

Đức Phật đã dạy Dighajanu rằng: 

“Này cư sĩ, có bốn pháp này đưa đến an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại và an lạc hạnh phúc trong tương lai cho người sống đời sống tại gia. Bốn pháp đó là: 

1. Đầy đủ sự tháo vát; 
2. Đầy đủ sự phòng hộ; 
3. Làm bạn với thiện; 
4. Sống thăng bằng, điều hòa”. 

Qua bài kinh, Đức Phật cho biết, người Phật tử tại gia là người sống đời sống thế tục còn các mối quan hệ gia đình, xã hội, vì thế không thể không có nghề nghiệp, công việc ổn định giúp nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời cống hiến phần nào cho xã hội. Và dù làm nghề nghiệp, công việc gì cũng cần phải tinh chuyên và thiện xảo (khéo, giỏi, có chuyên môn, trình độ kỹ thuật cao), cần phải nhiệt tình, siêng năng, tháo vát;

cần phải biết tính toán, có khả năng tự làm và hướng dẫn người khác làm. Nếu làm việc với quy mô lớn cần phải giỏi điều hành, quản lý. 

Như thế gọi là có đầy đủ sự tháo vát. Khi đã có được tài sản của cải bằng sự nỗ lực trong công việc, trong nghề nghiệp chân chính, người cư sĩ cần phải biết giữ gìn tài sản, của cải đó, không để cho tiêu tán, mất mát do vua quan chiếm đoạt, do trộm cướp, do bị nước trôi, lửa cháy, do bị vợ con phá tán

Tạo ra tài sản đã khó, gìn giữ, bảo hộ tài sản đó lại càng khó hơn. Được như vậy gọi là có đầy đủ sự phòng hộ. Kế đến là đời sống đạo đức. Đời sống đạo đức cũng là một trong những điều cần phải quan tâm hàng đầu, bởi đó là nguồn cội của an vui, hạnh phúc, là yếu tố tạo sự bền vững cho đời sống người Phật tử tại gia. 

Về phương diện này, Đức Phật dạy người Phật tử tại gia phải biết làm bạn với thiện. Người Phật tử tại gia cần phải có lòng tin chân chính, có giới (những phẩm chất đạo đức), có trí tuệ và biết bố thí, làm những việc có ích cho nhân quần, xã hội. Khi xây dựng các mối quan hệ, người Phật tử cần tiếp xúc, gần gũi, làm bạn và hợp tác với những người đáng tin cậy, có nhân phẩm, đạo đức tốt, nếu những người đó có đầy đủ tín, giới, trí tuệ và biết bố thí, làm những việc có ích cho đời như mình thì càng hay. 

Sống thăng bằng, điều hòa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng đời sống an ổn, hạnh phúc lâu dài, bền vững. Về phương diện này Đức Phật dạy người Phật tử tại gia cần phải giữ cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Sự nghèo nàn về vật chất hay tinh thần, hoặc mất cân đối giữa vật chất và tinh thần đều dẫn đến những bất ổn trong đời sống. Còn một lãnh vực nữa cần phải có sự cân bằng, điều hòa, đó là các khoản thu và chi. 

Cần phải đảm bảo khoản thu lớn hơn khoản chi, cần phải tránh các khoản chi tiêu bừa bãi, vô tội vạ, không tiêu xài hoang phí nhưng cũng không keo kiết bỏn sẻn, sử dụng tài sản một cách hợp lý, có nghệ thuật. 

Trong bài kinh trên, Đức Phật còn dạy thêm người cư sĩ Phật tử nên lưu ý “bốn cửa xuất” tài sản, khiến cho gia nghiệp sa sút, tiêu tán. Bốn cửa đó là: 
Đam mê đàn bà; 
đam mê rượu chè;
 đam mê cờ bạc; 
giao du với kẻ ác. 

“Bốn cửa xuất” tài sản này từ xưa đến nay người đời thường hay phạm phải. Cũng kinh Tăng Chi Bộ ghi lại, trong một lần thuyết pháp cho cư sĩ Anàthapindika (Cấp Cô Độc), vị Phật tử thuần thành đồng thời là nhà ngoại hộ của Tăng đoàn, Đức Phật đã nói về bốn niềm vui của người cư sĩ. 

Những điều này hết sức gần gũi và thiết thực đối với những người sống đời sống thế tục. Đức Phật dạy: “Có bốn niềm vui chính đáng mà người cư sĩ có thể thọ hưởng, thỉnh thoảng và tùy cơ hội, đó là:
niềm vui có được của cải, niềm vui được giàu có, niềm vui không nợ nần và niềm vui không bị chê trách. 

Thế nào là niềm vui có của cải? 

Ở đây, gia chủ có của cải nhờ phấn đấu tích cực, góp gom được bằng sức của bàn tay, bằng mồ hôi, đúng pháp, tích lũy được một cách đúng pháp, và có ý nghĩ: ‘Của cải này của tôi có được nhờ phấn đấu tích cực, tích lũy đúng pháp’. 
Do nghĩ thế, niềm vui và thỏa mãn đến với người đó. Đó là niềm vui có của cải. Thế nào là niềm vui được giàu có? 
Ở đây, vị gia chủ được giàu có nhờ phấn đấu tích cực, vui vẻ nhờ giàu có và làm nhiều việc lành. Vì có ý nghĩ: ‘Nhờ giàu có mà có thể hưởng thụ sự giàu có và làm các việc lành’, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với người đó. Đó là niềm vui được giàu có. 

 Thế nào là niềm vui không có nợ nần? Ở đây, vị gia chủ không có nợ nần lớn hay nhỏ đối với bất cứ một ai.

 Vì có ý nghĩ: ‘Tôi không có nợ nần dù lớn hay nhỏ đối với bất cứ một ai’, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với người đó. Đó là niềm vui không có nợ nần. Thế nào là niềm vui không bị chê trách? Ở đây, vị Thánh đệ tử có niềm vui vì các hành động của thân, miệng và ý đều không có gì đáng chê trách. Với ý nghĩ ‘Tôi không có gì đáng bị chê trách ở thân, miệng và ý’, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với người đó”. 

Qua lời dạy của Đức Phật trong những bài kinh trên, người cư sĩ Phật tử thấy được đâu là nguồn gốc của những niềm vui mà người tại gia có thể có được, để từ đó khai thác và tạo dựng cho mình một đời sống hạnh phúc. Về các mối tương quan với gia đình và xã hội, trong Trường Bộ kinh (tập II), kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật dạy người Phật tử tại gia cần thiết lập tốt các mối quan hệ như: quan hệ cha mẹ với con cái, quan hệ vợ chồng, quan hệ thầy trò, quan hệ giữa người giúp việc và chủ v.v.. 

Các mối quan hệ đều đem lại những trách nhiệm, bổn phận mà người Phật tử phải giữ gìn. Về bổn phận con cái đối với cha mẹ, Đức Phật dạy: Con phải phụng dưỡng cha mẹ; săn sóc, bảo bọc cha mẹ lúc tuổi già; giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình; đỡ đần các việc nặng nhẹ cho cha mẹ; giữ gìn tài sản thừa tự. 

Bổn phận cha mẹ đối với con cái cần gìn giữ năm điều: Ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, dựng vợ gả chồng cho con, trao của thừa tự cho con đúng thời. Theo Tương Ưng Bộ kinh (tập V), chương XI, phẩm Phước đức sung mãn, Đức Phật dạy người Phật tử tại gia tuy sống đời sống thế tục nhưng tâm ý phải hướng thượng, bởi đó là nguồn cội của an vui, hạnh phúc trong đời này và đời sau. Phải là người quy y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), thọ trì năm giới (không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không vọng ngữ, không dùng chất gây nghiện), có đầy đủ niềm tin chân chính, thanh tịnh, có trí tuệ và biết bố thí; đó mới thật sự là người cư sĩ Phật tử đúng nghĩa. 

Với tâm từ bi vô lượng, Đức Phật đã tùy căn cơ trình độ của chúng sinh mà thuyết pháp giáo hóa; tùy nhu cầu, ước muốn mà giúp cho hàng xuất gia lẫn tại gia đều có được lợi lạc, tìm thấy nguồn an vui, hạnh phúc. „